Với cấu tạo sinh thái đặc biệt của mình mà những loại cây rừng ngập mặn khác không có, cây Bần chua có khả năng rất thích hợp trồng ở những bãi bồi mới hình thành, nơi đất chưa kết chặt được, hay còn gọi là thể bùn lỏng, có độ mặn thấp từ 5 đến 10 phần ngàn (vùng nước lợ), và có khả năng chịu ngập tốt nhưng phải có thời gian phơi bãi ít nhất 8 tiếng/ngày.
Đối với các cây ngập mặn khác (ngoại trừ cây mấm), cây con vừa mới trồng thường không bám được trên thể bùn mềm của những bãi mới bồi, nên bị sóng đánh cuốn trôi đi hoặc bị vùi lấp.
Sau một thời gian phát triển, các bãi bồi mới này được phù sa bồi đắp (thường có độ lún là 40cm), cùng với sự trưởng thành của rễ cây bần chua có thể cố định được đất, thể đất rắn lại dần dần. Khi cây bần chua đã phát triển thành rừng, đất khu vực này trở thành đất bùn chặt có độ lún chỉ ở 15cm, sau đó là đất sét có độ lún 5cm.
Hệ rễ đặc biệt khoẻ mạnh của cây bần có khả năng cố định đất, mọc nhanh theo hướng ngày một lấn biển. Và lúc đó, những cây rừng ngập mặn khác như đước đôi (Rhizophora Apiculata Blume) bắt đầu mọc trên những thể đất đã cứng do cây bần cố định trước đó. Dần dà, hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng bắt đầu sinh sôi trong khi cây bần chua vẫn miệt mài lấn biển giữ đất, tạo thành dải chắn sóng.
Comments